Các công trình kiến trúc ở Việt Nam xưa mang nhiều nét đặc trưng, gắn với những vật liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên như tre, nứa, gỗ, gạch, cát, đá… Ngày nay, ngành xây dựng đã có sự phát triển mạnh mẽ. Liệu tấm panel sandwich có thay thế được các vật liệu truyền thống đó?
Trong xây dựng trước đây, con người chỉ sử dụng những vật liệu đơn giản có nguồn gốc từ thiên nhiên bởi tính sẵn có và gần gũi. Dần dần, do nhu cầu cũng như yêu cầu để phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội người ta biết dùng gạch mộc, ngói. Người ta gắn kết chúng bằng vôi, thạch cao. Rồi người ta nghiên cứu ra những chất kết dính mới như hỗn hợp vôi rắn trong không khí với chất phụ gia hoạt tính. Đến đầu thế kỉ 19, xi măng pooc lăng ra đời và đến thời kì này người ta cũng sản xuất ra những vật liệu kim loại, bê tông cốt thép, …
Từ năm 1945 đến nay, từ những vật liệu xây dựng truyền thống, ngành vật liệu xây dựng đã cho ra đời hàng trăm chủng loại vật liệu khác nhau, đủ các mẫu mã, kích thước, màu sắc đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và hướng ra xuất khẩu.
Theo lịch sử phát triển của vật liệu xây dựng, kiến trúc nhà xưởng nói riêng cũng phát triển theo. Từ nhà xưởng được xây bằng rơm trộn bùn đến nhà xưởng với hệ chịu lực bằng gỗ, tường ngoài bằng gạch, rồi nhà xưởng bê tông cốt thép và hiện nay là nhà xưởng khung thép hiện đại sử dụng tấm panel sandwich.
Loại công trình nhà xưởng truyền thống sử dụng bê tông cốt thép với hình thức đổ cốt pha tại chỗ được sử dụng lâu dài nhất. Phương pháp xây dựng này giúp việc tạo hình linh hoạt theo lối kiến trúc, trang trí mà chủ đầu tư mong muốn. Vật liệu bê tông có khả năng chịu lực tốt và tải trọng cao.
Tuy nhiên, lối kiến trúc này chỉ cho phép vượt nhịp thông thường với công trình một tầng khoảng 30m, công trình cao tầng khoảng 10m. Nghĩa là khả năng vượt nhịp thấp. Tiến độ thi công chậm, tất cả các khâu đều thi công trực tiếp ở công trường nên khó kiểm soát. Khi cần mở rộng, nâng cấp công trình thì phải đục đẽo, khoan cấy, đổ bù, … ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cũng như chất lượng công trình.
Do vậy, các vật liệu truyền thống trong kiến trúc Việt Nam đã và đang phải đổi mới để phù hợp với đặc điểm lịch sử, kinh tế, xã hội. Song song với nó là sự có mặt của các vật liệu mới với nhiều đặc điểm nổi trội, đáp ứng yêu cầu thời đại. Tấm panel sandwich là một loại vật liệu tiên tiến, phát huy được ưu điểm cũng như khắc phục được hạn chế của vật liệu truyền thống.
Tấm panel sandwich còn đáp ứng được các yêu cầu cao về kỹ thuật như độ bền, độ cách âm, cách nhiệt, … lại là nguồn cảm hứng dồi dào cho các kiến trúc sư sáng tạo những kiến trúc mới lạ. Việc ưu tiên phát triển những công nghệ mới, sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, cách âm, cách nhiệt, thân thiện với môi trường, … cũng phù hợp với định hướng phát triển vật liệu xây dựng ở Việt Nam.
Tấm panel sandwich có cấu tạo 3 lớp, 2 mặt bên là tôn kẽm mạ màu, giữa là lớp EPS hoặc PU, … có khả năng cách âm, cách nhiệt.
Tấm panel sandwich có ưu điểm vượt trội là cách âm, cách nhiệt, … bởi có tấm kim loại cách nhiệt hai bên, ở giữa là vật liệu cốt lõi có nhiệt độ nóng chảy cao. Đặc điểm này giúp tiết kiệm tối đa chi phí sử dụng các thiết bị làm mát cho công trình. Do vậy, chúng được sử dụng phổ biến trong các kho lạnh, kho mát, kho bảo quản cho các nhà mát thủy, hải sản, nhà máy chế biến thực phẩm, nhà hàng, siêu thị. Ngoài ra chúng còn được sử dụng trong các phòng thí nghiệm, phòng sạch y tế, phòng sản xuất linh kiện điện tử.
Tấm panel có khả năng chịu lực lớn. Lớp kim loại bên ngoài cùng tỷ trọng và độ dày của lớp lõi bên trong có thể chịu lực lớn hơn trọng lượng của tấm gấp nhiều lần. Nếu các sản phẩm nhựa, gỗ dễ bị cong vênh dưới tác động của thời tiết thì tấm panel sandwich hoàn toàn khác biệt. Chúng có độ bền cơ học cao, giúp sản phẩm luôn kín, khít. Vì vậy, chúng có thể ứng dụng làm tấm mái, tấm tường, tấm bao che cho các công trình xây dựng.
Các tấm panel được ghép lại với nhau bởi mối nối và phụ kiện nên giúp việc thi công, tháo dời nhanh chóng và dễ dàng. Chiều dài của tấm panel tối đa 18m và trọng lượng nhẹ giúp việc ghép nối nhanh, cơ động, tiết kiệm sức lao động.
Chi phí cho các công trình xây dựng sử dụng tấm panel sandwich thấp hơn khoảng 30-40% so với các vật liệu truyền thống như gạch, gỗ, sắt, thép, … Các tấm panel sandwich còn có khả năng tái sử dụng. Vòng đời của sản phẩm từ 30-50 năm. Với sự phong phú về loại và màu sắc, các sản phẩm panel sandwich mang lại vẻ đẹp thẩm mỹ cho mỗi công trình. Vì không sử dụng các nguyên liệu rời như cát, sỏi, xi măng, … nên sản phẩm này trở nên thân thiện với môi trường.
Tấm panel sandwich ngày càng được ưa chuộng và là lựa chọn hàng đầu của các chủ đầu tư, nhằm thay thế các vật liệu truyền thống trong mỗi dự án công nghiệp cũng như dân dụng.